Câu chuyện bắt đầu với hành trình lập công ty, tìm nơi đặt hai chiếc máy ở Sài Gòn và cuối cùng là “cõng” hai chiếc máy từ Sài Gòn ra Đà Nẵng. Đinh Quang Minh, anh chàng giám đốc trẻ gọi những chiếc máy bán hàng di động của mình là “những cô nàng chân dài”.
Đã sợ thì không làm
Năm 2012, ở Nhật có 5,5 triệu máy phục vụ 100 triệu dân. Thời điểm đó, Việt Nam mới có vài chục máy phục vụ 90 triệu dân. “Tiềm năng là rất lớn. Tôi cũng nhìn thấy được nguyên nhân mà những nhà đầu tư đi trước thất bại. Tôi cố gắng không đi vào vết xe đổ của họ”, Minh nói.
Trong khi nhiều người trước đây nhập máy từ Đài Loan, giá rẻ hơn nhưng không có khả năng nâng cấp bộ xử lý… thì Minh nhập máy từ Mỹ, giá cao hơn nhưng có thể nâng cấp, lắp các bộ xử lý của bất kỳ hãng nào cũng đều hoạt động được. Chưa hết, nhiều người trước đây không dám đặt máy ở những nơi công cộng, ngoài đường vì sợ hỏng, sợ bị đập phá thì Minh lại làm như thế để ai cũng có thể sử dụng được. Tất nhiên loại máy mà Minh nhập về là loại máy chuyên dùng để đặt ngoài đường, tuy khá cồng kềnh nhưng lại bền và chịu mưa nắng tốt.
“Khó khăn lớn nhất của tôi bây giờ không phải là công nghệ, không phải là vốn, cũng không phải là nguồn hàng, mà là thủ tục hành chính, thủ tục thuê mặt bằng để đặt máy ở những địa điểm công cộng, ở sân bay, nhà ga, bến xe, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, trường đại học…”.
Đinh Quang Minh, Giám đốc Công ty Minh Lâm
“Mặc dù phải đối mặt với rủi ro bị phá máy nhưng đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm. Đa số các công ty trước đây nhập máy về đều nhằm giới thiệu sản phẩm của công ty họ mà không đặt nặng vấn đề bán hàng để kiếm lời. Còn tôi, tôi bán các sản phẩm mà nhiều người thích mua. Tôi chẳng gây dựng thương hiệu hay giới thiệu sản phẩm cho bất kỳ nhãn hàng nào. Tôi bán hàng để kiếm lời”, Minh chia sẻ.
Giao dịch bằng Google Translate
Với vốn tiếng Anh hạn chế, giữa năm 2012 Minh vẫn mạnh dạn tự liên lạc với đối tác ở Mỹ, vay tiền người thân để nhập máy về. “Tôi yêu cầu đối tác khi làm việc phải gửi e-mail, tôi sẽ trả lời ngay khi nhận được, vì qua e-mail thì tôi có thể đọc hiểu hoặc sử dụng Google Translate để hiểu và trả lời. Đối tác hiểu được là vốn tiếng Anh của tôi không tốt nên họ thường viết những câu rất đơn giản để tôi có thể hiểu ngay vấn đề. Dần về sau, họ viết tiếng Anh giống hệt cách tôi vẫn viết cho họ”, Minh kể.
Do không phải dân kỹ thuật nên việc lắp đặt và chạy thử máy thực sự là một khó khăn đối với anh. Để học được “nghề”, anh đã phải… phá hỏng chiếc máy đầu tiên để tìm hiểu nguyên lý hoạt động, cách xử lý sự cố… Chiếc máy không thể dùng nữa, trở thành sắt vụn, nhưng anh xem đó là số tiền phải trả để học nghề.
Anh kể: “Mỗi một chiếc máy khi nhập về đều được đối tác gửi kèm một cuốn sách hướng dẫn bằng tiếng Anh dày khoảng 300 trang. Tôi cố gắng đọc và hiểu những vấn đề chính. Máy bán hàng tự động của Mỹ hay ở chỗ là có thể lắp ráp và thay thế các bộ phận đơn lẻ rất dễ dàng. Các bộ phận này có thể nhập được từ rất nhiều nguồn khác nhau trên thế giới để tiết kiệm chi phí. Thân máy tôi nhập hàng đã qua sử dụng từ Mỹ. Bộ xử lý tiền xu, nhập hàng mới 100% từ Đức. Bộ xử lý tiền giấy và tiền polymer thì nhập hàng mới 100% từ Canada và Đài Loan”.
Tháng 10-2012, anh tự làm thủ tục xin thành lập Công ty TNHH Máy bán hàng tự động Minh Lâm.
Mỗi máy bán hàng tự động nặng khoảng 400kg, khi cho đầy 500 chai, lon nước và gắn thêm đế bê tông thì mỗi chiếc nặng khoảng 1,5 tấn.
Cõng “chân dài” từ Sài Gòn ra Đà Nẵng
Mọi trở lực trong việc nhập máy, làm chủ công nghệ tưởng chừng đã qua và có thể bắt đầu kiếm tiền, nhưng anh thú nhận mình đã nhầm. Mọi khó khăn lúc này mới bắt đầu.
Khó khăn nhất đó chính là việc xin giấy phép đặt máy bán hàng tự động. Anh liên hệ hàng trăm trường đại học, bến tàu, bến xe, nhà ga, bệnh viện… tại TPHCM, nhưng đều vô vọng. “Đi hết nơi này đến nơi khác, ngày này qua ngày khác mà không thuê được mặt bằng. Nhiều lúc rất nản nhưng nhất định không từ bỏ vì bỏ thì mình sẽ trắng tay”, anh cho biết.
Vậy là anh lại phải cố gắng. Nộp hồ sơ và chờ đợi trong chín tháng, gửi hồ sơ nhắc lại ba lần, tốn nhiều thời gian, tiền của nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
Anh lại gửi công văn theo đường bưu điện tới UBND thành phố Đà Nẵng. Khoảng ba ngày sau, đại diện UBND thành phố Đà Nẵng mời anh ra Đà Nẵng khảo sát và đưa ra kế hoạch chi tiết về việc thử nghiệm máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố này. “Công ty tôi đã nhập về năm máy, một máy đã bị phá hỏng để phục vụ việc “học nghề”, một máy đang đặt tại cơ sở 4 của trường Đại học Hoa Sen, hai máy tại Đà Nẵng được đặt ở chợ Hàn và công viên biển Phạm Văn Đồng đang hoạt động rất tốt. Máy còn lại đang đợi giấy phép để đưa ra đặt ngoài đường phục vụ công cộng tại Đà Nẵng. Hiện tại, tôi còn ba máy nữa đang trên tàu từ Mỹ về Việt Nam”, anh Minh cho biết.
Chuyện mươi năm sau
Trước khi đầu tư kinh doanh, Đinh Quang Minh chưa bao giờ sử dụng loại máy bán hàng tự động mà chỉ được xem trên phim, qua YouTube… nhưng anh cho rằng đã thấy được tiềm năng phát triển của nó.
Anh cho biết, sắp tới (5-10 năm, hoặc lâu hơn nữa) Việt Nam sẽ có hệ thống tàu điện ngầm hoặc tàu điện chạy trên cao. Các nhà ga của hệ thống tàu này phải tốn cả chục tỉ đồng để xây được một mét vuông mặt sàn ở sâu dưới đất 40 m hoặc trên cao 30 m. Vì vậy chắc chắn sẽ không đơn vị nào đủ tiền để thuê được 10 m2 mặt bằng để mở quán cà phê hay quán bán bánh trái, cộng thêm tiền thuê nhân viên, tiền điện, tiền nước, tiền bảo vệ… Chính vì vậy, máy bán hàng tự động sẽ là giải pháp tốt nhất để đáp ứng nhu cầu giải khát hay ăn uống của khách đi tàu. “Xem YouTube, tôi thấy nước ngoài họ cũng toàn đặt máy tự động phục vụ chứ không có cửa hàng nên tương lai Việt Nam chắc chắn cũng sẽ làm như vậy”, anh nói.
Không hy vọng trong tương lai Công ty Minh Lâm sẽ trúng thầu gói triển khai cả ngàn cái máy bán hàng tự động trên tất cả các nhà ga tàu điện ngầm vì có trúng thầu thì cũng không đủ vốn để triển khai nhưng Minh hy vọng, khoảng chục năm tới, khi nhắc tới các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực máy bán hàng tự động thì Minh Lâm sẽ được nhắc đến như là những người tiên phong.
Thảo Hương – Sài Gòn tiếp thị Online 9/10/2014