Danh mục tin tức
Facebook
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập : 17
  • Ngày hôm nay : 488
  • Ngày hôm qua : 220
  • Tuần hiện tại : 1.739
  • Tuần trước : 2.576
  • Tháng này : 42.541
  • Tháng trước : 36.008
  • Tổng lượt truy cập : 894.802
Tin tức chung

Không có giới hạn, khi người ta trẻ

Thứ năm,21/12/2017
4291 Lượt xem

Một chàng trai làm “nghề đụng” (tức đụng gì làm nấy), tự làm kiếm tiền học bất kỳ những gì mình thích, một mình tay trắng từ Hà Nội vào TPHCM khởi nghiệp. Hiện tại, anh đang sở hữu những máy bán hàng tự động ở Đà Nẵng. Đây cũng là những máy bán hàng tự động đầu tiên ở Đà Nẵng.
“Con thi đại học cho biết thôi, đỗ thì gia đình cũng không đủ sức lo cho con đi học đâu!”. Đó là câu nói của mẹ, khi Đinh Quang Minh (sinh năm 1983) chuẩn bị bước vào đời.

Nhận lương bằng cơm trưa

Sinh ra trong một gia đình khó khăn ở thị xã Sơn Tây (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), 18 tuổi, Đinh Quang Minh bắt đầu đi phụ việc ở một xưởng mộc, trước khi lên Hà Nội kiếm tiền để theo đuổi nghề Điện toán và Máy tính tại Công ty Bách Khoa (thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội).

Năm 2001, còn ít người biết về máy tính nên mọi thứ liên quan đến máy tính đều có thể kiếm ra tiền: Cài đặt Windows, cài driver, cài phần mềm… Quang Minh xin vào làm giúp việc cho một công ty kinh doanh máy tính tại phố Lý Nam Đế (Hà Nội).

Làm chân sai vặt nhưng Minh có cơ hội “học mót” kinh nghiệm của các anh kỹ thuật viên. Nhờ những kinh nghiệm này, Minh luôn đứng đầu trong các môn học tại lớp học nghề, được cấp bằng nghề thợ bậc 3/7.

Minh kể: “Mình giúp việc không công cho họ từ sáng đến trưa. Đến giờ mọi người ăn cơm thì mình mới được về, ăn vội rồi đạp xe xuống trường học. Sau đó, mình được trả công là một bữa ăn trưa, trị giá 3.000 đồng. Lương tăng dần theo bữa cơm lần lượt lên 4.000, rồi 5.000 đồng”.

Tốt nghiệp khóa học nghề nhưng kiến thức thu được phần nhiều là nhờ đi “học mót” tại công ty máy tính. Minh được công ty đó giữ lại làm nhân viên chính thức, với mức lương khởi điểm 10.000 đồng/ngày.

Đến lúc mức lương lên được 25.000 đồng/ngày thì Minh xin nghỉ và chuyển sang công ty khác, làm nhân viên kinh doanh bán lẻ, mảng máy tính lắp ráp.

Minh kể: “Mỗi tối, mình làm thêm bằng cách đến nhà khách hàng cài Windows, cài driver… Lúc đó, chưa nhiều người rành máy tính nên việc kiếm tiền khá thuận lợi. Mỗi lần đến nhà khách như vậy, mình được trả 50.000 đồng. Công việc giúp mình có tiền đi học tại chức tại khoa Quản trị Doanh nghiệp, trường ĐH Thương mại”.

Song song với việc học đại học, Minh tham gia các khóa ngắn hạn để tự trang bị kiến thức như: Học về chứng khoán (Học viện Ngân hàng), học Lập trình viên quốc tế (FPT Aptech), học Quản trị mạng quốc tế ACNA (Bách khoa Aptech), học Nghiệp vụ Xuất nhập khẩu (trường ĐH Ngoại thương).

Năm 2005, Minh vay 1.970 đôla để tham gia khóa học Lập trình viên quốc tế và mở quán Internet công cộng. Cùng với suy thoái kinh tế, cuối năm 2008, Minh quyết định vào TPHCM chỉ với 7 triệu đồng, vali quần áo, chiếc balô đựng laptop và chiếc xe máy cà tàng.

Ở TPHCM, đầu năm 2009, Minh được nhận vào làm quản trị mạng cho một tạp chí. Chỉ thời gian ngắn, anh chàng đa năng đã “mon men” trợ giúp bộ phận marketing làm sự kiện để quảng bá hình ảnh của tạp chí này.

“Khiêng” máy bán hàng tự động ra Đà Nẵng

Giữa năm 2012, Minh tìm hiểu nhu cầu thị trường và mạnh dạn nhập chiếc máy bán hàng tự động đầu tiên về Việt Nam để bán nước giải khát.

Cách đây gần chục năm, các nhãn hàng lớn đã từng bày máy bán hàng tự động bán nước giải khát nhưng đều rút lui không kèn không trống.

Thế nhưng, Minh lại gom tiền dành dụm, vay thêm, tự liên lạc với đối tác ở Mỹ qua e-mail để nhập máy bán hàng tự động bằng đường biển, tự làm thủ tục hải quan, rồi đăng ký thành lập công ty. Tiếp đó, anh mang một chiếc máy ra mày mò để học cách làm chủ nó. Khi lắp lại thì nó…

Máy không hoạt động được nữa nhưng bù lại, Minh đã nắm rõ tất cả những kiến thức cơ bản, nguyên lý hoạt động, cách khắc phục sự cố của máy bán hàng tự động… Anh coi như chiếc máy đó là khoản học phí để học được một cái nghề nữa.

Mọi sự khó khăn về làm chủ công nghệ tưởng chừng như đã qua và có thể bắt đầu kiếm tiền. Nhưng Minh đã nhầm. Khó khăn nhất là việc xin giấy phép đặt máy bán hàng tự động. Minh liên hệ các trường đại học, bến tàu, bến xe, nhà ga, bệnh viện tại TPHCM để đặt máy nhưng đều vô vọng.

Theo dõi thông tin, Minh biết Đà Nẵng là một thành phố khá “thoáng” cho những dịch vụ công cộng, văn minh. Anh gửi công văn theo đường bưu điện tới UBND TP Đà Nẵng.

Chỉ 3 ngày sau, đại diện UBND thành phố này mời Minh về Đà Nẵng khảo sát và đưa ra kế hoạch chi tiết về việc thử nghiệm máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng. Tuy vậy, cũng phải đến 6 tháng sau, Minh mới đặt được chiếc máy bán hàng đầu tiên.

Hiện Minh có 4 máy bán hàng tự động: 1 chiếc đã bị phá hỏng để phục vụ việc “học nghề”, 2 máy đang hoạt động tại 2 địa điểm công cộng của TP Đà Nẵng, chiếc máy còn lại, Minh đang đợi giấy phép để tiếp tục phục vụ tại Đà Nẵng. Công việc kinh doanh dù vất vả nhưng đang đầy hứa hẹn với Minh.

Bình luận facebook