Năm 2001, chàng trai người Hà Tây này mang trong mình ước mơ trở thành Hướng dẫn viên du lịch bước vào kỳ thi quan trọng với câu nói của mẹ: “Con thi đại học cho biết thôi, đỗ thì gia đình cũng không đủ sức lo cho con đi học đâu.”Cũng từ đây, anh bước vào con đường lập nghiệp với “nghề đụng”, theo cách nói vui của anh tức là đụng gì làm nấy để theo đuổi ước mơ khởi nghiệp của mình.
Hơn 10 năm sau, từ hành trang là hai bàn tay trắng và 2 lần lập nghiệp nơi đất khách quê người, hiện Đinh Quang Minh (31 tuổi) là một trong những người đầu tiên thành công với mô hình kinh doanh máy bán hàng tự động tại Đà Nẵng.
“Đàn ông phải dựa vào chính mình”
Sau kỳ thi đại học, Minh bắt đầu phụ việc cho một xưởng mộc của người quen. Công việc quá vất vả, hàng ngày tiếp xúc với bụi mùn cưa, mang vác gỗ giao cho các công trình xây dựng, gần 1 tháng sau anh bỏ việc và về Hà Nội tham gia khóa học nghề Điện toán và máy tính tại công ty Bách Khoa (thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Hồi tưởng về giai đoạn này, Minh chia sẻ: “Đó quãng thời gian cố gắng không biết mệt mỏi sau khi bỏ chạy khỏi công việc phụ mộc để kiếm được tiền từ ngành thời thượng nhất lúc đó.” Theo lời anh, thời đó dường như chưa có ai biết gì về máy tính nên mọi thứ liên quan đến nó như cài phần mềm, cài driver đều có thể hốt bạc.
Học trên trường chưa đủ, Minh còn xin vào làm chân giúp việc không công cho một công ty kinh doanh máy tính trên phố Lý Nam Đế. Chính những kinh nghiệm thực hành này giúp ích cho anh rất nhiều trong các môn tại lớp học nghề. Sau khi tốt nghiệp, anh được giữ lại làm nhân viên chính thức với mức lương khởi điểm 10.000 đồng/ngày.
Ngoài học về máy tính, chàng trai trẻ còn làm thêm ngoài giờ để tham gia học tất cả những gì mình thích, từ chứng khoán, lập trình viên, quản trị mạng đến nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Những thứ anh học đều xuất phát từ sở thích cá nhân và không biết rằng chúng sẽ giúp ích cho con đường khởi nghiệp sau này.
Năm 2008, một ngày sau khi thi tốt nghiệp tại chức đại học Thương mại, Đinh Quang Minh lên đường vào Sài Gòn lập nghiệp với một ít vốn liếng tích cóp và may mắn được vào làm quản trị mạng cho một tạp chí. Sau này khi nhận thấy mảng kinh doanh quảng cáo trên tạp chí còn nhiều tiềm năng, Minh xin chuyển hẳn làm nhân viên kinh doanh.
4 năm sau, khi nhận thấy thị trường quảng cáo đi xuống, Minh quyết định nghỉ việc thành lập công ty riêng chuyên kinh doanh máy bán hàng tự động, con đường khởi nghiệp của chàng trai 8x bắt đầu từ đây. Trước khi đặt chân đến Đà Nẵng, Minh quyết định thực hiện một chuyến xuyên Việt bằng xe máy mà theo lời của anh là để “thỏa chí tang bồng”.
Giữa thời đại không hiếm người trẻ mãi băn khoăn đi tìm lời giải đáp những câu hỏi “Tại sao”, “Tôi là ai”,… mà không dám dấn thân thực hiện ước mơ của mình, có thể xem chàng trai 8x này là người dám nghĩ, dám mơ ước và dám làm. Khi được hỏi về điều tâm đắc nhất, anh chia sẻ câu triết lý ngắn gọn theo suốt nhiều năm qua: “Man must depend on himself” (Tạm dịch: Đàn ông phải dựa vào chính mình).
Chọn lối chưa ai đi
Khi được hỏi tại sao lại lựa chọn mô hình kinh doanh này, Minh hào hứng chia sẻ :”Theo số liệu nghiên cứu, năm 2012 tại Nhật Bản có tới 5,5 triệu máy phục vụ cho 100 triệu dân trong khi tại Việt Nam chỉ mới có vài chục cái để phục vụ 90 triệu dân nên triển vọng phát triển thị trường này là rất lớn”. Trước đây cũng có vài công ty lớn đã đưa máy bán hàng tự động vào Việt Nam. Tuy nhiên theo anh, những máy này đều nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá hình ảnh của công ty nên sản phẩm không đa dạng, vị trí đặt máy thường trong khuôn viên nhất định, không thuận tiện cho người đi đường. Ngoài ra người tiêu dùng còn gặp phải những vấn đề bất tiện như không được trả lại tiền thừa hoặc phải sử dụng thẻ do một bên thứ 3 phát hành để thanh toán khi mua sản phẩm.
Anh còn cho biết thêm, ở nước ngoài máy có thể bán được nhiều thứ như thực phẩm, sách báo, làm được pizza và nướng trực tiếp chứ không đơn thuần chỉ bán nước giải khát như tại Việt Nam. Mặt khác trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển hệ thống giao thông hiện đại như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị thì máy bán hàng tự động là giải pháp tối ưu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Từ đây, Đinh Quang Minh nảy ra ý tưởng đưa máy bán hàng tự động ra đường phố, bán với giá rẻ và thuận tiện để phù hợp với đại đa số người dân.
Tin tưởng vào tiềm năng của việc kinh doanh, giữa năm 2012, Minh quyết định nhập khẩu một chiếc máy về Việt Nam và mang nó ra làm vật thí nghiệm. Chiếc máy được tháo tung ra để nghiên cứu, đến khi lắp lại không còn hoạt động được nữa. Đổi lại anh đã nắm rõ tất cả những kiến thức cơ bản, nguyên lý hoạt động, cách khắc phục sự cố bằng thực tế chứ không đơn thuần chỉ nghiên cứu trên cuốn sách hướng dẫn. Anh coi đây là một khoản học phí để học được một cái nghề.
Chiếc máy bán hàng tự động của Đinh Quang Minh được đặt phía trước chợ Hàn.
Không nhập khẩu nguyên chiếc máy bán hàng tự động, Minh tiết kiệm chi phí bằng cách mua nhiều bộ phận từ nhiều nước khác nhau như vỏ máy từ Mỹ, bộ xử lý tiền từ Đức, Canada, Israel hay Đài Loan sau đó lắp ráp trong nước. Hiện có thể xem là những máy bán hàng tự động kiểu “mỳ ăn liền” tại Đà Nẵng, có thể trả lại tiền thừa cho khách hàng. Với những nỗ lực không mệt mỏi như hàng ngày thuyết phục, động viên người dân dùng thử, hiện người dân Đà Nẵng đã quen dần với việc mua nước giải khát từ máy bán hàng tự động đặt tại chợ Hàn và bãi biển Phạm Văn Đồng. Hai máy này đem về nguồn doanh thu cho Minh khoảng 80 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm cả tiền quảng cáo.
Khi được hỏi tại sao anh dám đặt máy ở những nơi công cộng, Minh cho biết anh muốn đi ngược lại số đông, để ai cũng có thể sử dụng được. “Mặc dù phải đối mặt với rủi ro bị phá máy nhưng ở đời: Liều thì mới ăn nhiều. Đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm”, anh chia sẻ.